Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Mộc mạc vần thơ người lính thông tin

10:08 - Thứ Tư, 24/04/2024 Lượt xem: 2981 In bài viết

ĐBP - Mặc dù không phải là nhà thơ, song từ khi lên đường nhập ngũ, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính thông tin Phạm Phú Thuyên (sinh năm 1930) đã gửi gắm những tâm sự, tình cảm với quê hương, gia đình và đồng đội vào những vần thơ mộc mạc. Không còn những bản ghi chép cẩn thận, thế nhưng những vần thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người chiến sĩ Điện Biên.

Ông Phạm Phú Thuyên (thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội.

Nhớ ngày ra trận

Ở tuổi 94, nhưng đến nay người chiến sĩ thông tin Phạm Phú Thuyên, tổ dân phố 4, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ vẫn khá minh mẫn. Những kỷ niệm ngày đầu nhập ngũ, những năm tháng tham gia chiến dịch vẫn còn in sâu trong ký ức của người lính thông tin qua những vần thơ. Trong một lần gặp gỡ, tri ân những chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ), chúng tôi được lắng nghe những vần thơ chân chất, mộc mạc của chiến sĩ Điện Biên Phạm Phú Thuyên.

Năm 1950, người thanh niên trẻ Phạm Phú Thuyên rời quê hương Thái Bình lên đường nhập ngũ. Trong giây phút chia tay người thân, gia đình và đặc biệt là người mẹ già nơi quê nhà, ông đã sáng tác bài thơ: “Tạm biệt mẹ già”. Những vần thơ rất đỗi giản dị nhưng chứa chan tâm trạng bồi hồi, xúc động: “1950 - Tạm biệt mẹ già/ Ra đi để lại mái nhà đơn côi/ Mẹ tôi hết đứng lại ngồi/ Miệng chẳng nói được, lệ rơi hai hàng/… Mẹ tôi có nói thầm thì/ Bao giờ hết giặc con về với bu”… Tâm trạng của người con lần đầu xa quê hương, xa gia đình không thể không lưu luyến nhớ gia đình, người thân, bạn bè và quê hương.

Bước chân ra chiến trường, khi đó ông Thuyên mới 20 tuổi nên càng thấm thía và nhớ quê hương hơn. Từ những cụm chuối, hàng cau, con sông nhỏ, dòng nước, mái đình rêu phủ mái cong hay bạn cùng thầy cùng lớp nhưng rồi vì chí hướng giải phóng dân tộc mà ông đã chốt lại bằng 2 câu thơ khẳng định tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu hết mình vì đất nước và dân tộc nên đâu đâu cũng trở thành quê hương: “Nhưng rồi tất cả đã xa/ Trăm miền đất nước đều là quê hương”.  

Người chiến sĩ Điện Biên Phạm Phú Thuyên bồi hồi nhớ về những đồng đội của mình.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Phú Thuyên tâm sự: “Không phải nhà thơ chuyên nhưng tôi đã sáng tác được nhiều bài thơ. Ngoài bài thơ “Tạm biệt mẹ già”, tôi còn làm nhiều bài thơ khác và ghi chép trong cuốn nhật ký của mình. Khi chiến đấu, tôi vẫn có những vần thơ cho đồng đội. Thế nhưng, trong những tháng ngày chiến đấu bị mưa nắng nên đã mục nát, không còn lưu giữ được và chỉ còn nhớ trong đầu một số bài thơ thôi!”.

Nhật ký chiến đấu

Tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thuyên được biên chế vào Đại đội 151, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Khi đó, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1. Khác với các đồng đội của mình, ông Thuyên không trực tiếp cầm súng nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính thông tin như ông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc cho một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại hình thức phòng ngự tập đoàn cứ điểm của địch.

Chiến sĩ thông tin Phạm Phú Thuyên là hội viên Hội CCB tỉnh.

Thời điểm đó, lực lượng thông tin có ở các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316) và Đại đoàn công pháo 351, mỗi đại đoàn có Ban Thông tin trực thuộc. Đặc biệt, tại cuộc chiến đấu quyết liệt khu vực Đồi A1, những người lính thông tin như ông Thuyên đã dũng cảm, sáng tạo, bám đội hình, chốt trụ tại cửa mở, tại trận địa; giữ vững thông tin liên lạc cho chỉ huy và cùng lực lượng bộ binh tiêu diệt địch.

Ông Thuyên hồi tưởng: “Làm nhiệm vụ thông tin, bản thân gắn bó với máy điện đài cùng bộ đội ta tiến công vào chiến dịch. Lúc đó không có điện thoại như bây giờ, ngoài liên lạc vô tuyến điện, bộ đội thông tin phải đeo máy có gắn dây liên lạc hữu tuyến theo các đồng chí Đại đội trưởng để thông tin không bị gián đoạn. Khi dây bị đứt thì chiến sĩ làm nhiệm vụ hỏa tốc phải lần theo đường dây, tìm tới vị trí dây bị đứt để nối liền lại. Đường dây thông tin bị hỏa lực đánh phá, cày xới, đứt nhiều lần, nên anh em phải dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhanh chóng tìm mọi cách để kịp thời khôi phục đường dây, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt”.

Cựu chiến binh Phạm Phú Thuyên tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nói đến đây rồi giọng ông Thuyên như trầm xuống, ông tâm sự: “Dù không trực tiếp chiến đấu nơi tuyến đầu, song trong chiến dịch, 5 người đồng đội của ông đã ngã xuống để mang lại chiến thắng trong chiến dịch lich sử”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1 ngày (tức ngày 8/5/1954), chiến sĩ Điện Biên Phạm Phú Thuyên đã sáng tác bài thơ “Nhật ký đêm đánh nhau” để nhớ về những đồng đội của mình: “Đêm nay, đơn vị công đồn/ Súng ta, súng giặc nổ giòn inh tai/ Súng im là lúc ban mai/ Điểm xem quân số những ai không về/ Thắng trận mà lòng tái tê/ Người đi thì có người về thì không…”. Dù mất mát, hy sinh nhưng những người lính Điện Biên đã chiến đấu quên mình để mang lại độc lập tự do cho dân tộc hôm nay. Nỗi đau trong những vần thơ của chiến sĩ thông tin Phạm Phú Thuyên như một lời nhắc nhở thế hệ sau về những hy sinh, mất mát của cha ông để có chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong những ngày tháng cả nước đang hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi người con dân tộc Việt Nam luôn biết ơn và khắc sâu những đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông. Tấm gương về những người chiến sĩ Điện Biên nói riêng và các anh hùng dân tộc Việt Nam nói chung đã trở thành niềm tự hào, truyền lửa cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước; trong đó có cả những bộ đội thông tin liên lạc anh dũng, mưu trí, chủ động, sáng tạo như chiến sĩ Điện Biên Phạm Phú Thuyên để làm nên thắng lợi vẻ vang trên Chiến trường Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top